NHÂN SÂM VÀ ĐÔNG TRÙNG HẠ THẢO - MỘT SỰ KẾT HỢP TUYỆT VỜI

Nhân sâm, tên khoa học: Panax ginseng C.A. Meyer, họ Nhân sâm (Araliaceae), là một cây thuốc quý hàng đầu của y học cổ truyền (“sâm, nhung, quế, phụ) và đã được loài người sử dụng từ hơn 4.000 năm qua. Ngày nay, nhân sâm được công nhận và sử dụng rộng rãi trên khắp thế giới.

Bộ phận dùng của nhân sâm là rễ củ, thường được chế biến thành hai dạng chủ yếu là hồng sâm và bạch sâm. Nhân sâm chứa saponin gồm các ginsenosid, được xem là một trong những hoạt chất quan trọng của nhân sâm, các hợp chất polyacetylen, tinh dầu, khoáng chất, nguyên tố vi lượng...

Theo tài liệu cổ, nhân sâm có tác dụng đại bổ nguyên khí, ích huyết sinh tâm, định thần ích trí, làm tăng thể lực và trí lực, đặc biệt tốt cho cơ thể suy nhược hay trong thời kỳ dưỡng bệnh. Dưới ánh sáng của khoa học và y học hiện đại, những tác dụng sau đây của nhân sâm đã được chứng minh:

- Tác dụng bổ, tăng lực, tăng sức bền, giảm mệt mỏi.

- Cải thiện năng lực tinh thần, tăng trí nhớ, chống stress.

- Thúc đẩy các quá trình sinh tổng hợp quan trọng trong cơ thể, tăng cường khả năng miễn dịch, chống oxi hóa, làm chậm quá trình lão hóa..

Gần đây, các nhà khoa học đã chứng minh thêm một số tác dụng quan trọng của nhân sâm như tác dụng hạ đường huyết, cải thiện tuần hoàn máu não, kích thích miễn dịch, ngăn ngừa ung thư...

Đông trùng hạ thảo (Cordyceps) là vị thuốc có nguồn gốc từ Trung Quốc, có ở vùng Vân Nam, Tứ Xuyên... đó là một dạng thảo dược cộng sinh giữa một giống nấm và một loài sâu. Vào mùa đông, sâu non nằm dưới đất, nấm ký sinh vào sâu, hút chất trong con sâu và làm sâu chết. Đến mùa hè nắng ấm, mọt loại thảo dược mọc lên từ đó. Vì vậy, vị thuốc mới có tên đông trùng hạ thảo. Khi thu hái, đào cả nấm và sâu.

 

                                       

Về thành phần hóa học, ngoài protit gồm các amino axit thiết yếu, lipit trong đó các axit béo không no có tác dụng chông oxy hóa như axit linoleic, axit linolenic... chiếm đến 82%, đông trùng hạ thảo còn chứa axit cordyceptic 3,4,5 – tetraoxyhexahydrobenzoic.

Đông trùng hạ thảo đã được ghi vào vộ sách cổ Đông y “Bản thảo cương mục thập di” (1765). Theo Đông y, đông trùng hạ thảo là vị thuốc bổ, chữa suy nhược thần kinh, trị ho, ho lao. Đặc biệt, đông trùng hạ thảo còn được xem là vị thuốc hiệu quả để  bổ tinh khí, chữa đau lưng, mỏi gối, bổ thận, trị liệt dương với tác dụng và hiệu quả không kém nhân sâm.

Gần đây, trên thị trường đã xuất hiện chế phẩm phối hợp giữa nhân sâm và đông trùng hạ thảo. Đây là sự phối hợp của hai vị thuốc có tác dụng bổ khí, sinh tinh. Sự phối hợp hợp lý theo nguyên lý đông y này nhằm mang lại hiệu quả tổng hợp và hiệp đồng của hai vị thuốc quý trong bài thuốc, nhằm tăng cường tác dụng bồi bổ sức khỏe, nâng cao thể trạng, chống suy nhược cơ thể, giảm mệt mỏi, giúp ăn ngon và trợ tiêu hóa.

(Nguồn: vusta.vn Tác giả bài viết: TS Nguyễn Thới Nhâm)